Khi bị chậm kinh, hầu hết chị em đều nghĩ đến khả năng mang thai. Tuy nhiên, không ít trường hợp bị chậm kinh đến 1 tháng nhưng vẫn không có thai. Vậy nguyên nhân dẫn đến tình trạng chậm kinh 1 tháng là gì? Cách điều trị như thế nào? Tất cả sẽ được giải đáp trong bài viết dưới đây của Kotex.
Chậm kinh nguyệt là gì?
Trễ kinh (hay chậm kinh) là biểu hiện của chu kỳ kinh nguyệt bất thường ở các chị em phụ nữ. Nói đơn giản thì đây là hiện tượng khi chị em đến kỳ hành kinh nhưng vẫn không thấy xuất hiện máu. Thông thường, nếu trên 35 ngày tính từ ngày hành kinh mà kinh nguyệt vẫn chưa xuất hiện thì gọi là chậm kinh. Thật ra, tình trạng chậm kinh nguyệt không hiếm gặp ở nữ giới nhưng không phải ai cũng hiểu rõ nguyên nhân gây ra hiện tượng này là gì? Do đó, nếu muốn tìm ra đáp án cho hiện tượng chậm kinh thì mời bạn cùng tiếp tục tham khảo nội dung dưới đây với Kotex nhé!
Chậm kinh là hiện tượng không xuất hiện kinh nguyệt khi trên 35 ngày của chu kì hành kinh (Nguồn: Sưu tầm)
Chậm kinh 1 tháng có sao không?
Chậm kinh 1 tháng có thể là do cơ thể bị tác động bởi những yếu tố bên ngoài như căng thẳng, áp lực, chế độ ăn uống,... Nếu tình trạng này thi thoảng xuất hiện (khoảng 1-2 lần/ năm) thì được cho là dấu hiệu bình thường, bạn không cần quá lo lắng. Tuy nhiên, nếu chậm kinh 1 tháng kéo dài liên tục và nhiều lần thì có khả năng cao là chị em đang phải đối mặt với nhiều bệnh lý tiềm ẩn như lạc nội mạc tử cung, u xơ tử cung, viêm cổ tử cung, u nang,…
Những căn bệnh nói trên có thể gây nhiều biến chứng khiến cho cơ thể của chị em bị mất khả năng sinh sản hoặc ảnh hưởng xấu đến sức khỏe. Mặt khác, tình trạng chậm kinh 1 tháng có thể là do trứng không rụng, khiến khả năng đậu thai ở nữ giới bị giảm thấp.
Vấn đề chậm kinh thường xuyên khiến cho chị em lo lắng, hoang mang và thiếu tập trung trong công việc. Bên cạnh đó, nữ giới có kinh nguyệt không đều thường cáu kỉnh, rối loạn cảm xúc nên dễ ảnh hưởng đến những mối quan hệ xung quanh.
Chậm kinh 1 tháng diễn ra thường xuyên khiến chị em hoang mang, lo lắng vì có nguy cơ đối mặt với nhiều bệnh lý phụ khoa nguy hiểm (Nguồn: Sưu tầm)
Những nguyên nhân chậm kinh 1 tháng
Thực tế, không phải cứ chậm kinh 1 tháng là các chị em sẽ có tin vui. Có thể nói, hiện tượng kinh nguyệt là “tấm gương” phản ánh phần nào tình trạng sức khỏe ở nữ giới. Điều đó có nghĩa là, những vấn đề về kinh nguyệt (bao gồm cả hiện tượng chậm kinh) đều có sự liên quan chặt chẽ đến tình trạng sức khỏe hiện tại của chị em. Dưới đây là 11 nguyên nhân phổ biến gây ra tình trạng chậm kinh ở nữ giới:
Có dấu hiệu mang thai
Đây là một trong những nguyên nhân phổ biến nhất lý giải cho việc vì sao phụ nữ chậm kinh 1 tháng. Bởi trong một chu kỳ kinh nguyệt, lớp niêm mạc bên trong tử cung sẽ dần dày lên nhằm chuẩn bị cho trứng thụ tinh vào làm tổ. Theo sinh lý bình thường, quá trình thụ thai sẽ không diễn ra nếu trứng và tinh trùng không gặp nhau. Lúc này, lớp niêm mạc sẽ tự bong ra, dẫn đến hiện tượng âm đạo ra máu, còn được gọi là hành kinh.
Như vậy, nếu thấy kinh nguyệt xuất hiện thì nghĩa là bạn không mang thai. Ngược lại, nếu thấy chậm kinh 1 tháng thì khả năng cao là quá trình thụ thai đang diễn ra. Bởi khi trứng đã được thụ tinh làm tổ trong tử cung thì lớp niêm mạc sẽ không bong ra mà được giữ lại để nuôi dưỡng thai nhi. Chính vì vậy, phụ nữ thường sẽ không thấy xuất hiện kinh nguyệt trong suốt quá trình mang thai. Tuy nhiên, để chắc chắn rằng nguyên nhân gây chậm kinh 1 tháng có phải do mang thai hay không thì cách đơn giản nhất là sử dụng que thử thai đấy!
Trễ kinh 1 tháng là dấu hiệu cơ bản và phổ biến nhất báo hiệu nữ giới đã được lên thiên chức làm mẹ (Nguồn: Sưu tầm)
Do đột ngột tăng cân
Tăng cân quá nhanh cũng là nguyên nhân phổ biến gây chậm kinh 1 tháng ở nữ giới. Bởi điều này sẽ khiến cơ thể tăng cường sản xuất estrogen trong một thời gian ngắn, làm cho lớp niêm mạc tử cung trở nên không ổn định do phát triển quá mức. Trường hợp này, để giúp chu kỳ kinh nguyệt trở lại bình thường thì các chị em phải cần giảm đi một vài cân đấy!
Vận động quá sức
Tập thể dục điều độ sẽ giúp ổn định kinh nguyệt và mang lại cho bạn một cơ thể khỏe mạnh, vóc dáng cân đối. Tuy nhiên nếu vận động quá sức thì đó sẽ trở thành nguyên nhân gây trễ kinh 1 tháng ở các chị em. Bởi khi bạn luyện tập với cường độ cao sẽ khiến cơ thể thiếu hụt calo nên không thể sản xuất đủ lượng estrogen cần thiết để duy trì một chu kỳ kinh nguyệt bình thường. Để khắc phục, bạn cần phải tiết chế lại việc vận động của bản thân và ăn nhiều hơn một chút.
Vận động quá mức là nguyên nhân phổ biến khiến chị em bị chậm kinh (Nguồn: Sưu tầm)
Tinh thần căng thẳng, stress
Thường xuyên căng thẳng và làm việc dưới áp lực lớn cũng chính là nguyên phổ biến khiến chị em phụ nữ gặp phải stress. Từ đó, quá trình tạo ra estrogen trong kỳ kinh nguyệt sẽ bị đình trệ bởi các hormone liên quan đến stress như cortisol và adrenaline. Nếu tình trạng này kéo dài thì sẽ khiến chu kỳ kinh nguyệt của bạn thay đổi thất thường, chẳng hạn như chậm kinh 1 tháng,... Để hạn chế căng thẳng, bạn có thể luyện tập thể dục, giữ tinh thần lạc quan và suy nghĩ tích cực để khiến bản thân trở nên vui vẻ hơn. Nhờ đó mà các chức năng cơ thể mới dần trở lại trạng thái cân bằng.
Do tác dụng phụ của thuốc
Thường xuyên sử dụng các loại thuốc như thuốc tránh thai, thuốc giảm cân,… có thể ảnh hưởng trực tiếp đến quá trình điều hòa kinh nguyệt ở nữ giới, gây rối loạn nội tiết tốt và dễ dẫn đến việc chậm kinh 1 tháng. Nếu xuất hiện tình trạng trễ kinh trong khi dùng thuốc thì bạn hãy trao đổi với bác sĩ điều trị để có thể tìm ra nguyên nhân chính xác nhé!
Dùng chất kích thích
Thường xuyên lạm dụng chất kích thích như rượu bia, thuốc lá,... rất dễ dẫn đến tình trạng rối loạn kinh nguyệt ở nữ giới. Bởi các thành phần trong chất kích thích sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến hormone sinh sản cũng như các chức năng của nhiều cơ quan bên trong cơ thể. Từ đó, không chỉ khiến cơ thể bạn kém khỏe mạnh, thường xuyên gây ra tình trạng chậm kinh 1 tháng mà còn làm giảm chất lượng và số lượng trứng, dẫn đến vô sinh. Do đó, hãy ngừng sử dụng các chất kích thích để bảo vệ sức khỏe và khả năng sinh sản của bản thân.
Sử dụng quá nhiều chất kích thích không chỉ ảnh hưởng xấu đến sức khỏe mà còn khiến cơ thể dễ rối loạn kinh nguyệt (Nguồn: Sưu tầm)
Mãn kinh sớm
Giai đoạn tiền mãn kinh của phụ nữ rơi vào sau độ tuổi 42. Lúc này, cơ thể đã bắt đầu tạo ra ít estrogen hơn nên ảnh hưởng trực tiếp đến chu kỳ kinh nguyệt. Hiện tượng mãn kinh sớm là khi phụ nữ đã dừng hành kinh trước độ tuổi 40 và dấu hiệu thường thấy nhất là bạn thường xuyên chậm kinh 1 tháng.Một số thủ thuật y học như phẫu thuật, hóa trị, xạ trị ở vùng xương chậu, vùng bụng ở nữ giới có thể đẩy nhanh giai đoạn mãn kinh hơn.
Các bệnh phụ khoa
Một số bệnh phụ khoa cũng là nguyên do khiến chị em phụ nữ thường xuyên bị chậm kinh 1 tháng, chẳng hạn như u nang, u xơ tử cung, viêm lộ tuyến tử cung, viêm buồng trứng, suy buồng trứng,... Các bệnh lý này thường kèm theo các biểu hiện bất thường trong quá trình hành kinh như máu kinh có màu sắc lạ, bị vón cục và có mùi khó chịu. Đồng thời, cơ thể cũng sẽ xuất hiện những dấu hiệu đau âm ỉ ở phần bụng dưới, vùng kín xuất hiện mùi hôi, dịch tiết âm đạo có màu sắc lạ,... Nếu chu kỳ kinh nguyệt của bạn bất thường đồng thời có những biểu hiện trên thì bạn nên thẳng thắn trao đổi với bác sĩ phụ khoa để được thăm khám và điều trị kịp thời nhé!
Bệnh phụ khoa ở nữ giới dễ khiến bạn đối mặt với tình trạng mất kinh, trễ kinh (Nguồn: Sưu tầm)
Hiện tượng buồng trứng đa nang
Hiện tượng chậm kinh 1 tháng có thể bắt nguồn từ bệnh lý buồng trứng đa nang. Căn bệnh này gây ra bởi sự rối loạn nội tiết tố ở nữ giới trong độ tuổi sinh đẻ, làm xuất hiện nhiều nang nhỏ trong buồng trứng và ngăn chặn quá trình rụng trứng diễn ra. Hội chứng buồng trứng đa nang là tác nhân xấu đối với khả năng sinh sản của phụ nữ bởi ảnh hưởng đến các hormone giải phóng trứng bên trong cơ thể.
Kinh nguyệt không đều bắt nguồn từ bệnh lý đa nang buồng trứng nếu không được điều trị kịp thời sẽ khiến bệnh nhân có thể bị mất cân bằng hormone, gây ảnh hưởng xấu đến khả năng sinh sản, Đồng thời, khiến cơ thể có nguy cơ đối mặt với các bệnh lý nguy hiểm khác như tim mạch, vô sinh, đái tháo đường,..
Do vấn đề ở tuyến giáp
Tuyến giáp là một cơ quan giúp điều chỉnh sự trao đổi chất, kiểm soát hormone và hỗ trợ hoạt động cho nhiều bộ phận khác nhau bên trong cơ thể. Một số vấn đề bất thường xuất hiện ở tuyến giáp như suy giáp, nhược giáp,... đều có khả năng gây thay đổi sự ổn định trong chu kỳ kinh nguyệt của bạn.
Rối loạn nội tiết
Nếu cơ thể đang ở trạng thái cân bằng nội tiết tố thì chu kỳ kinh nguyệt của bạn có thể được diễn ra đều đặn. Một khi cơ thể của bạn mất cân bằng nội tiết tố thì sẽ dẫn đến tình trạng rối loạn kinh nguyệt.
Nên làm gì khi chậm kinh 1 tháng?
Để chấm dứt tình trạng chậm kinh 1 tháng thì các chị em có thể áp dụng các biện pháp sau:
Giữ tâm trạng ổn định, luôn vui vẻ và suy nghĩ tích cực.
Xây dựng lối sống lành mạnh, ăn uống, luyện tập và nghỉ ngơi một cách khoa học.
Hạn chế quan hệ tình dục bừa bãi với nhiều người và thường xuyên sử dụng các biện pháp tránh thai an toàn.
Hạn chế sử dụng các chất kích thích như thuốc lá, bia rượu và các chất có chứa cafein.
Chỉ nên sử dụng các loại thuốc điều trị như thuốc an thần, thuốc tránh thai, thuốc giảm cân,... theo chỉ định của bác sĩ.
Thăm khám sức khỏe sinh sản định kỳ để kịp thời phát hiện và điều trị các bệnh lý liên quan đến phụ khoa.
Xây dựng lối sống lành mạnh và luyện tập khoa học là một trong những cách khắc phục tình trạng chậm kinh 1 tháng vô cùng hiệu quả (Nguồn: Sưu tầm)
Khi nào chậm kinh 1 tháng nên đi khám phụ khoa?
Như đã đề cập, việc trễ kinh thường xuyên và kéo dài có thể bắt đầu từ các bệnh lý nguy hiểm tiềm ẩn như u xơ tử cung, viêm cổ tử cung, buồng trứng đa nang, viêm lộ tuyến,... Khi thấy thường xuyên bị chậm kinh 1 tháng thì chị em nên đi khám phụ khoa để các bác sĩ có thể chẩn đoán và điều trị các bệnh lý phụ khoa kịp thời. Nếu để tình trạng không có kinh nguyệt kéo dài quá lâu (từ 3 đến 6 tháng trở lên) thì sẽ có nguy cơ dẫn đến các biến chứng nguy hiểm cho sức khỏe, chẳng hạn như vô sinh.
Một số trường hợp bạn cần phải đến gặp bác sĩ sớm nếu tình trạng mất kinh đi liền với những triệu chứng sau:
Nhức đầu, rụng tóc, đau âm ỉ bụng dưới, suy giảm thị lực.
Đầu ngực tiết dịch, sữa có màu trắng đục,...
Thăm khám phụ khoa kịp thời khi xuất hiện tình trạng trễ kinh là cách giúp bạn bảo vệ sức khỏe sinh sản hiệu quả (Nguồn: Sưu tầm)
Hy vọng với các kiến thức chia sẻ này đã giúp bạn nắm được các nguyên nhân gây ra tình trạng chậm kinh 1 tháng cũng như cách khắc phục hiệu quả. Đừng quên ghé thăm website của Kotex để trải nghiệm sử dụng sản phẩm băng vệ sinh lành tính, an toàn cho “ngày đèn đỏ” và học hỏi thêm kinh nghiệm trong việc chăm sóc sức khỏe sinh sản của bản thân nhé!
Nguồn: https://www.kotex.com.vn/cam-nang-ban-gai/chu-ky/cham-kinh-1-thang
0 Nhận xét